Biện pháp để nâng cao năng suất, chất lượng In

Ngày 24/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp trực tuyến với 31 tỉnh phía Bắc về triển khai kế hoạch vụ đông xuân 2011 – 2012. Điểm mới là năm nay các tỉnh sẽ thử nghiệm xây dựng các mô hình “cánh đồng mẫu lớn” trên cơ sở dồn điền đổi thửa, áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất gắn với liên kết 4 nhà theo hướng sản xuất lúa hàng hóa.

 

Ưu tiên giống năng suất cao, chất lượng tốt

Để tập trung nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng của vụ đông xuân 2011 - 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất nhiều giải pháp đột phá.

Nông dân huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) lấy nước đổ ải phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ đông - xuân 2010 - 2011.

Theo Cục Trồng trọt, về cơ cấu giống, các tỉnh sẽ mở rộng tối đa diện tích lúa lai, ưu tiên giống có năng suất cao, chất lượng tốt để tăng sản lượng và hiệu quả kinh tế. Dự kiến, diện tích lúa lai chiếm khoảng 40% diện tích gieo cấy. Các tỉnh cũng mở rộng tối đa trà xuân muộn bằng những giống lúa ngắn ngày năng suất cao, chất lượng tốt; hạn chế tối đa trà xuân sớm, xuân trung trừ những nơi có điều kiện đặc thù. Một số giống lúa chủ lực cho trà lúa xuân muộn: Khang dân 18; ĐB5; N98; Nhị ưu 838; Nhị ưu 63; Nhị ưu 986...

Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc đề nghị các tỉnh bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp, lấy trục lúa trỗ tập trung từ ngày 5 - 15/5 ở đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi phía Bắc làm trục chính để bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp đối với trà xuân muộn - đây cũng là kinh nghiệm nhiều năm. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế (chủ yếu là gieo thẳng) bố trí thời vụ gieo cấy sớm hơn để tránh lũ, sao cho lúa trỗ tập trung từ ngày 15 - 25/4. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh bố trí thời vụ phù hợp để lúa trỗ tập trung từ 25/4 - 5/5. Các tỉnh mở rộng tối đa diện tích lúa gieo thẳng bằng dụng cụ sạ hàng; nhất là những cánh đồng dồn điền, đổi thửa sản xuất cùng một giống theo hướng hàng hóa nhằm giảm chi phí sản xuất.

Đề phòng khô hạn và giá giống tăng cao

Theo dự báo, các đợt rét đậm, rét hại vụ này có khả năng không kéo dài như vụ năm trước và tập trung vào tháng 1 và 2/2012. Tuy nhiên, mùa khô 2011 – 2012 sẽ tiếp tục xảy ra thiếu nước và khô hạn ở vùng núi phía Bắc và trung du Bắc bộ.

Ông Đặng Duy Hiển, Vụ phó Vụ Quản lý công trình, Tổng cục Thủy lợi cho biết, để chủ động nguồn nước, cần phối hợp với ngành điện trong việc điều hành các hồ chứa thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang để có kế hoạch vận hành tổng hợp, hỗ trợ nước tưới cho vùng hạ du vào thời kỳ đưa nước làm đất gieo cấy. Dự kiến, thời gian xả nước chia làm 2 đợt từ 1 - 9/2 để cấy xuân chính vụ và tưới dưỡng đợt đầu; đợt 2 từ 15 - 22/2 để cấy xuân chính vụ và dưỡng đợt sau.

Bên cạnh vấn đề thiếu nước, Cục Trồng trọt cũng lo ngại giá giống tăng cao sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc đầu tư sản xuất của người dân, nhất là những nơi bị thiệt hại nặng do các cơn bão trong vụ hè thu, vụ mùa. Ở nước ta hiện nay, nguồn giống sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 15 - 20% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu từ các nước khác, chủ yếu là Trung Quốc, trong khi đó giá lại không ngừng tăng.

Đại diện Hiệp hội thương mại giống cây trồng Việt Nam lý giải nguyên nhân giá giống tăng là do tỷ giá tăng mạnh. Bên cạnh đó, các chi phí khác như: Chi phí đầu vào tăng, lãi suất ngân hàng cao... cũng ảnh hưởng nhiều tới việc sản xuất vụ đông xuân.

Tuy nhiên, Hiệp hội thương mại giống cây trồng Việt Nam khẳng định, sẽ không xảy ra tình trạng thiếu giống cho sản xuất nếu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cục liên quan có những chính sách hỗ trợ kịp thời trong việc cung ứng cũng như quản lý chặt chẽ giá cả và chất lượng giống cây trồng.

Baotintuc.vn