Để nâng cao năng suất lao động cho người Việt Nam In
 Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng với nguồn lao động khoảng 55 triệu trong số 90 triệu người. Hằng năm có hơn một triệu người tham gia vào thị trường lao động. Nguồn lao động trẻ và dồi dào đã mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội, nhưng việc có tới gần 80% lực lượng lao động chưa qua đào tạo hoặc không có bằng cấp đang cản trở Việt Nam khai thác hiệu quả cơ hội này. Trong khi đó, lợi thế và hàm lượng về chi phí nhân công rẻ đang giảm dần cùng với sự phát triển khoa học - công nghệ, áp lực cạnh tranh thị trường và nhu cầu tăng lương, cải thiện chất lượng sốngcủa người lao động.

alt

 

Tái cơ cấu để nâng cao năng suất lao động người Việt Nam

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động (NSLÐ) của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương và đang giảm dần. Trong giai đoạn 2002-2007, NSLÐ tăng trung bình mỗi năm 5,2% (mức tăng cao nhất trong khu vực) nhưng chỉ còn 3,3% từ sau năm 2008. Năm 2013, NSLÐ của Việt Nam chỉ bằng hai phần năm của Thái-lan, một phần năm của Ma-lai-xi-a, một phần 10 của Hàn Quốc, một phần 11 của Nhật Bản và một phần 15 của Xin-ga-po.

NSLÐ thấp không chỉ đối với công nhân, lao động sản xuất vật chất trực tiếp, mà còn cả lao động trong các lĩnh vực quản lý và lao động gián tiếp vĩ mô và vi mô khác, tạo nhiều hệ lụy tiêu cực, nhất là nghịch lý tăng, dư thừa lao động trong bộ máy quản lý, trong khi năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý không tăng, thậm chí suy giảm; sự chậm trễ trong các phản ứng chính sách và phản ứng thị trường, cũng như chậm cải thiện tình trạng nợ đọng chính sách, nợ đọng vốn, hàng tồn kho và năng lực cạnh tranh của cả doanh nghiệp và nền kinh tế...

Thực tế khẳng định, NSLÐ ở Việt Nam thấp so với các nước không phải do người Việt Nam thua kém lao động các nước khác về tính cần cù, cường độ lao động, khả năng nắm bắt kiến thức cần thiết khi được đào tạo đúng nội dung và phương thức, cũng như khả năng sáng tạo, tinh thần kỷ luật, năng lực hội nhập và thích nghi quy trình và môi trường lao động hiện đại khi được khuyến khích và tạo cơ hội, điều kiện phù hợp... Nói cách khác, một lao động Việt Nam sẽ làm ra sản phẩm với số lượng và chất lượng cao không thua kém lao động bất kỳ nước nào, nếu cùng trong một vị trí việc làm và điều kiện môi trường, trang bị lao động như nhau. Kết quả làm việc của hàng triệu lao động Việt Nam định cư trên thế giới hoặc làm việc tại các doanh nghiệp liên doanh có công nghệ và thiết bị hiện đại trong nước đã, đang và sẽ tiếp tục chứng tỏ điều đó.

Thực tế cũng cho thấy, nâng cao NSLÐ ở Việt Nam cần gắn liền với nâng cao chất lượng nội dung, yêu cầu, quy trình và phương thức đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, trước hết là cơ cấu ngành, sản phẩm và công nghệ; đổi mới tổ chức xã hội và các thể chế quản lý thích ứng; xử lý quan hệ giữa mục tiêu bảo đảm việc làm và an sinh xã hội với mục tiêu, yêu cầu hợp lý hóa tổ chức, sản xuất và đổi mới công nghệ, tạo áp lực nâng cao cả chất lượng và NSLÐ.

Ðây là một quá trình liên tục với những nhịp tăng tốc, đột phá cần thiết và đòi hỏi sự thống nhất nhận thức, sự tham gia và giải pháp đồng bộ của các ngành, các cấp, các bên có liên quan, nhất là Chính phủ, các doanh nghiệp và nhà trường, cũng như sự nỗ lực của bản thân người lao động trước nhu cầu thực tế thị trường hiện tại và tương lai...

TS. Nguyễn Minh Phong