BAN KINH TẾ TRUNG ƯƠNG TỔ CHỨC BUỔI TỌA ĐÀM GÓP Ý ĐỀ CƯƠNG BÁO CÁO NÂNG CAO NĂNG SUẤT NHÂN TỐ TỔNG HỢP (TFP) In
Sáng ngày 20-5-2016, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức buổi tọa đàm góp ý Đề cương Báo cáo nâng cao năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) và năng suất lao động phục vụ cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Trưởng Ban  Kinh tế Trung ương chủ trì buổi tọa đàm. Tọa đàm có sự tham dự của gần 20 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong các lĩnh vực liên quan.

alt
Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Trưởng Ban  Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc buổi tọa đàm
 

Đây là Báo cáo quan trọng với nhiều nội dung cần làm rõ và có liên quan dến nhiều ngành về nguồn lực tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam, mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian vừa qua, đánh giá các kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại hạn chế và nguyên nhân. Từ đó đưa ra các giải pháp, quan điểm, chiến lược và kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các địa phương và doanh nghiệp trong các giai đoạn sắp tới.
 
alt
PGS.TSKH Nguyễn Văn Đặng, Nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế TW phát biểu tại  buổi tọa đàm

Phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS.TSKH Nguyễn Văn Đặng, Nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, lợi thế địa chính trị, con người, sản phẩm đầu ra độc đáo… là những nhân tố quan trọng để tăng năng suất đầu ra.  Do đó, chúng ta cần phải có điều kiện để phát huy năng suất lao động, phát triển nền kinh tế.
 
alt
Đ/c Nguyễn Mạnh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp tóm tắt Đề cương báo cáo

Tham gia ý kiến, GS. Nguyễn Quang Thái, chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu số lượng lao động có năng suất thấp quá lớn thì sẽ ảnh hưởng đến toàn xã hội. Phải nhấn mạnh phát triển theo chiều sâu. TFP là một chỉ tiêu tính được từ mô hình và một loạt giả thiết, vì vậy cần cân nhắc vấn đề này. Ta chỉ tính một số năng suất tổng hợp để theo dõi, nếu nói một số chỉ tiêu thì cũng có thể tính được nhưng độ xác thực không cao, chỉ nên tính toàn nền kinh tế và một số giai đoạn để phản ánh sự tiến bộ. Không nên quá gò bó về các chỉ số này.
 
alt
Chuyên gia, GS. Nguyễn Quang Thái phát biểu ý kiến

alt
Chuyên gia Lưu Bích Hồ phát biểu ý kiến 

Chuyên gia Lưu Bích Hồ cho rằng phạm vi, đối tượng của báo cáo cần xác định chặt chẽ hơn. Đây là Đề cương có tính chất kỹ thuật, nhưng mục đích lại là giải quyết về chủ trương chính sách chứ không phải về kỹ thuật. Đây là vấn đề khó, cần có nhiều số liệu của nhiều lĩnh vực.
 
Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã tập trung thảo luận những vấn đề lý luận và thực tiễn, những tác động ảnh hướng đến TFP. Các đại biểu đã làm rõ những cơ sở pháp lý để đánh giá về Đề cương báo cáo, mặt được, chưa được và nguyên nhân; những vấn đề cốt yếu gắn với hiệu quả của Báo cáo; những hạn chế, vướng mắc, những vấn đề lớn đang đặt ra. Các đại biểu cũng thảo luận về những khó khăn vướng mắc và đề xuất tháo gỡ đối với Báo cáo này.
 
Phát biểu kết luận tọa đàm, đồng chí Phó Trưởng Ban Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, đây là tọa đàm với nhiều ý kiến hay và có nhiều thảo luận sâu sắc. Đây là vấn đề vừa mang tính chất kỹ thuật, vừa mang tính hàn lâm. Chúng ta đã thu được nhiều ý kiến về nâng cao năng suất nhân tố tổng hợp TFP và các vấn đề liên quan, bổ sung rất nhiều cho nhóm biên tập của Ban Kinh tế Trung ương. Ban Kinh tế Trung ương mà đầu mối là vụ Kinh tế Tổng hợp sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để đưa váo báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đồng chí đề nghị thiết kế lại Đề cương sao cho hợp lý, trong đó cần chú ý đến vị trí của nước ta trên thế giới để đưa ra các nhận định, kiến nghị.
(Nguồn: kinhtetrunguong.vn)