CBAS phối hợp tổ chức thành công Hội thảo Tái cấu trúc doanh nghiệp và Chiến lược chất lượng sản phẩm & dịch vụ ngày 28/11/2011 In
Thực hiện mục tiêu trở thành Đại học nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo định hướng chuyên gia, lãnh đạo trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh, trường Đại học Kinh tế đã tổ chức thành công nhiều Hội thảo gắn kết hoạt động nghiên cứu và thực tiễn phát triển doanh nghiệp. Tiếp nối chuỗi hoạt động trên và để mở rộng mối quan hệ hợp tác dài hạn với các Doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, ngày 28/10/2011, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức Hội thảo: “Tái cấu trúc doanh nghiệp và Chiến lược chất lượng sản phẩm và dịch vụ”.

PGS.TS.Trần Anh Tài – Hiệu phó Nhà trường đã chủ trì hội thảo. Thành phần tham dự hội thảo gồm lãnh đạo các khoa Quản trị kinh doanh, Kinh tế & Kinh doanh quốc tế, Tài chính ngân hàng và các phòng, ban chức năng, các trung tâm nghiên cứu, cùng đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên chương trình nhiệm vụ chiến lược. Đặc biệt hội thảo còn có sự góp mặt của ban lãnh đạo công ty cổ phần TASCO, chuyên gia tư vấn Trần Ngọc Trung và đông đảo các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, các cơ quan thông tấn báo chí.

Mở đầu Hội thảo, Ông Phạm Quang Dũng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần TASCO đã chia sẻ rất nhiều những kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp. Năm 2008, ông Dũng là 1/100 doanh nhân xuất sắc được nhận giải Thánh gióng và năm 2011 vừa qua ông Dũng đã được nhận giải thưởng Ernst&Young bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp. Lĩnh vực hoạt động chính của TASCO hiện nay là xây lắp truyền thống và làm chủ đầu tư khu đô thị mới (kinh doanh nhà ở, thu nhập phổ thông tại thành phố) và các công trình kết cấu hạ tầng giao thông. TASCO là đơn vị đi đầu trong việc xã hội hóa đầu tư tại Hà nội vào giao thông, với dự án BT đầu tiên là tuyến đường Trần Hữu Dực, dự án BOT quốc lộ 10 và 21 và mong muốn đầu tư vào các đường cao tốc. Tăng trưởng bình quân đạt 25 % năm. Năm 2010 là 1/20 mã cổ phiếu BĐS hấp dẫn nhất trên sàn chứng khoán HNX, liên tục phát triển các công ty con với mục tiêu 2 cty con/năm. Thành công của TASCO có được là do luôn chú trọng vào chất lượng sản phẩm và đối xử tình nghĩa để có sự đoàn kết cao trong nội bộ. Bên cạnh đó, TASCO cũng chú ý hài hòa lợi ích cho khách hàng – cổ đông – nhân viên và cộng đồng xã hội. TASCO trân trọng con người, sau đó mới chú ý tới lợi nhuận. Trong tương lai, TASCO sẽ thành lập hiệp hội lập nghiệp của TASCO nhằm hỗ trợ những người có đam mê trở thành ông chủ, tổ chức các lớp học hàng quí, hàng tháng.

Với quan điểm “Luôn luôn chia sẻ, luôn luôn cho đi” của mình, ông Dũng đã chia sẻ rất nhiều bài học quý báu đã được ông đúc kết lại trong hơn 30 năm làm kinh doanh. Bài học thứ nhất ông đề cập về vấn đề xây dựng chiến lược. Bất kỳ một doanh nghiệp lớn hay nhỏ nào đều cần xây dựng chiến lược, trong đó công việc khó khăn nhất là phải xác định mục tiêu về thị trường, khách hàng và sản phẩm. Cần loại bỏ bớt các sản phẩm và tập trung tất cả nguồn lực của doanh nghiệp vào một sản phẩm mục tiêu, dẫn đầu thị trường về sản phẩm đó. Bài học thứ hai liên quan đến vấn đề quản trị chất lượng. Theo quan điểm của Ông Dũng, chất lượng cần được hiểu một cách toàn diện bởi nó chính là yếu tố quan trọng quyết định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời kỳ kinh tế hiện nay. Chính vì vậy chất lượng chính là kim chỉ nam xuyên suốt quá trình hoạt động kinh doanh của TASCO. Ví dụ như trong lĩnh vực kinh doanh của công ty, chất lượng thể hiện ở nguyên vật liệu, công nghệ, thiết kế, quy trình thực hiện …và quan trọng nhất là con người. Người lãnh đạo doanh nghiệp tốt luôn cần lắng nghe ý kiến của các nhân viên, kể cả các nhân viên cấp dưới như nhân viên hành chính, nhân viên bảo vệ, lao công và luôn động viên, khuyến khích họ đưa ra các ý tưởng cải tiến công việc, tích cực phấn đấu vì sự phát triển của công ty. Bài học thứ ba liên quan đến việc xây dựng hệ thống quản trị tốt, đặc biệt là quản trị nhân sự vì theo ông Dũng, cạnh tranh của doanh nghiệp chủ yếu là cạnh tranh bằng nhân tài. Doanh nghiệp cần phải có phương pháp đánh giá, nhận xét, chia sẻ tốt với nhân sự. Vì nếu không quản trị tốt doanh nghiệp sẽ mất dần nhân tài, chảy máu chất xám. Về phía TASCO, phương pháp được sử dụng đó là khuyến khích động viên là chính, hạn chế kỷ luật. TASCO khuyến khích chia sẻ nội bộ nhiều, kể cả những kỹ năng làm việc tốt cũng như thất bại/sai sót trong công việc. Ông kiên trì theo đuổi phương châm “đi từ từ, từng bước, ngấm dần”, tận tâm giảng dạy về lý thuyết cho nhân viên tới khi họ hiểu, họ thay đổi nhận thức rồi tiến đến họ tự giác thực hiện.

Cuối cùng Ông ưu ái dành lời khuyên cho các bạn sinh viên Trường ĐH Kinh tế về con đường dẫn tới thành công thông qua 3 câu hỏi: “Mục tiêu của bạn là gì? Lĩnh vực ngành nghề thích kinh doanh? Có đam mê và quyết tâm không”.

Tiếp theo Hội thảo, TS. Trần Ngọc Trung – Chuyên gia tư vấn của Trung tâm Nghiên cứu Quản trị kinh doanh (CBAS) đã trình bày về “Nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua Tái cơ cấu doanh nghiệp, Tái cơ cấu quá trình sản xuất kinh doanh”. Theo quan điểm của ông Trung, để xây dựng năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp phải có Năng suất tốt. Năng suất chính là thước đo hiệu quả của quá trình/hoạt động sản xuất kinh doanh. Năng lực cạnh tranh/ Năng suất lao động là chìa khóa để doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Điều này có thể đạt được thông qua Tái cấu trúc doanh nghiệp. Để một doanh nghiệp Tái cơ cấu thành công, Ông chia sẻ ba bài học kinh nghiệm. Thứ nhất, Hãy thách thức quan niệm/suy nghĩ của bạn và doanh nghiệp. Quan niệm sáng tạo, hợp lý, thường xuyên thay đổi và bổ sung là tiền đề cho quá trình tái cơ cấu thành công. Thứ hai, Tái cơ cấu là một quá trình phức tạp, mất nhiều thời gian, do đó đòi hỏi phải có cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo và toàn thể cán bộ công nhân viên. Thứ ba, Tái cơ cấu là thay đổi một cách cơ bản và triệt để các quá trình kinh doanh để tạo ra sự bứt phá trong hoạt động tổ chức. Vì vậy, các doanh nghiệp cần bắt đầu bằng những thay đổi nhỏ tại từng bộ phận với các mục tiêu rõ ràng trước khi điều chỉnh tổ chức, nguồn vốn, nhân sự…
Nối tiếp chương trình, Hội thảo đã lắng nghe rất nhiều các câu hỏi từ phía sinh viên được đặt ra cho Ông Phạm Quang Dũng và TS. Trần Ngọc Trung và các ý kiến thảo luận sôi nổi của các chuyên gia, các giảng viên như: PGS.TS. Đỗ Minh Cương – Chủ nhiệm bộ môn Văn hóa Doanh nghiệp, TS. Nguyễn Mạnh Tuân – Trưởng phòng Đào tạo, TS. Phan Chí Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị kinh doanh, TS.Nguyễn Đăng Minh, ThS. Đỗ Tiến Long …Đặc biệt trong số các ý kiến thảo luận, TS.Nguyễn Đăng Minh đã đưa ra 1 ý tưởng hết sức lý thú đã được áp dụng tại Nhật về “Tiền cảm tạ” - dành cho những nhân viên về hưu đã cống hiến cho công ty nhiều năm.

Phát biểu tổng kết hội thảo, PGS.TS.Trần Anh Tài kết luận các bài trình bày của 2 diễn giả đã được đúc kết từ mồ hôi, nước mắt, đưa ra những bài học thực tiễn rất sinh động và cũng rất sâu sắc về tri thức khoa học. Các chủ đề như thị trường mục tiêu, hệ thống quản trị, kiến thức kinh doanh, năng suất, tái cơ cấu … đang rất nóng, rất quan trọng cho nhà trường. Đó là những kiến thức rất bổ ích. Trong thời gian tới nhà trường sẽ tăng cường thu hút các nhà kinh doanh tham gia vào công tác giảng dạy và chia sẻ kinh nghiệm với nhà trường và thực hiện gắn kiến thức, lý thuyết với thực tế thông qua trải nghiệm cho sinh viên nên cần sự giúp đỡ của các doanh nghiệp. Về phía công ty TASCO, qua bài thuyết trình của chủ tịch HĐQT Phạm Quang Dũng, PGS.TS.Trần Anh Tài nhận thấy có rất nhiều điểm tương đồng về mục tiêu cũng như chiến lược phát triển của Nhà trường và Công ty. Chính vì vậy, rất hy vọng trong tương lai hai bên sẽ cùng hợp tác với nhau trong các lĩnh vực tư vấn, nghiên cứu và đào tạo, thông qua đó giúp Nhà trường tăng cường tính thực tiễn cho các giảng viên và sinh viên, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp nói chung và công ty cổ phần TASCO nói riêng.