Mô hình tích hợp Lean 6 Sigma (LSS) và chia sẻ bài học áp dụng thành công LSS của doanh nghiệp Viễn thông Hàn Quốc tại VNPT 02/2017 In

Sản xuất tinh gọn (Lean) là hệ thống các công cụ và phương pháp nhằm liên tục loại bỏ tất cả lãng phí trong quá trình sản xuất. Mục đích là giảm chi phí sản xuất, tăng sản lượng và rút ngắn thời gian sản xuất. Một ví dụ điển hình về sự thành công của mô hình này chính là công ty Toyota, với mô hình mang tên của công ty Toyota Production System (Hệ thống sản xuất Toyota). Mô hình sản xuất tinh gọn tập trung vào 3 yếu tố chính là Con người – Quá trình – Công nghệ. Mô hình hướng tới sự tham gia của mọi người, với tư duy Lean (tinh gọn) luôn thường trực trong mỗi người khi tham gia vào các quá trình sản xuất/dịch vụ. Các quá trình tổ chức, quản lý sản xuất được tối ưu hóa nhằm loại bỏ tối đa các loại chi phí. Việc này được hỗ trợ bởi ứng dụng công nghệ hiện đại, tự động hóa. Công nghệ được dùng để hỗ trợ con người và các quá trình sản xuất một cách hiệu quả nhất. Và tất cả 3 yếu tố này cuối cùng nhằm tới khách hàng, thỏa mãn được khách hàng chính là sự thành công. Mục tiêu tạo giá trị cho khách hàng là ít lãng phí, giao hàng nhanh, chất lượng tốt. Hai yếu tố mấu chốt là giảm lãng phí và tăng tốc độ giao hàng. Kết hợp với đó là sự linh hoạt, tham gia của mọi người, trên nền tảng chuẩn hóa công việc.Khái niệm 6 Sigma ra đời vào giai đoạn đầu thập niên 80 thế kỉ trước, bởi nhà sản xuất

Motorola của Mỹ hướng tới quản lý chặt chẽ các quá trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tỷ lệ sai lỗi chỉ còn 3,4 lỗi trên một triệu cơ hội. Sự thành công của môhình quản lý này tại Motorola đã tạo nên một phong trào triển khai rộng rãi mô hình này tại hàng loạt các công ty hàng đầu như IBM, DEC, Allied Signal, GE v.v. Ngày nay, mô hình này được triển khai rộng rãi ở cả lĩnh vực sản xuất lẫn cung cấp dịch vụ.

Các điểm chính của mô hình bao gồm: Cải tiến thành quả của các quá trình: dựa trên sự kiện để giải quyết vấn đề theo vấn đề Chất lượng nghiêm trọng đối với khách hàng; Cải tiến sự hài lòng của KH: tăng trách nhiệm với KH, giảm sự bất mãn của KH; Giảm chi phí: Giảm sai sót về sản phẩm, dịch vụ và thời gian chuyển giao. Tăng Hiệu suất, giảm phế phẩm. Tất cả nhằm Tăng thu nhập, lợi nhuận.

Điểm nổi bật của mô hình 6 Sigma là ứng dụng các kỹ thuật thống kê để kiểm soát các quá trình sản xuất hay cung cấp dịch vụ. Các quá trình được thiết kế sao cho đạt được sự biến đổi của sản phẩm/dịch vụ là ít nhất. Các nguyên nhân gây ra sự biến đổi được xác định thông qua các kỹ thuật thống kê, phân tích các yếu tố gây ra sai lỗi và tìm cách điều chỉnh để quá trình đạt được mục tiêu đã xác định.

Khi tích hợp Lean 6 Sigma (LSS) các triết lý của Lean và 6 Sigma, các phương pháp, và quá trình được kết hợp hỗ trợ với nhau để trở thành LSS. Khung thực hiện của LSS là 6 Sigma, nhưng cách tiếp cận theo Lean được sử dụng đặc biệt trong việc thiết lập các mục tiêu và các phương pháp triển khai các dự án cải tiến; PDCA của Lean và DMAIC của 6 Sigma có thể được sử dụng kết hợp linh hoạt: Các công cụ Phân tích quá trình, Xác định chuỗi các hoạt động có giá trị, Phân tích sự biến đổi của quá trình, có thể dùng đồng thời;Tăng tốc và giảm tối thiểu lãng phí có thể đạt được khi quá trình ổn định với mức biến đổi nhỏ; Tương ứng với mỗi mô hình là những phương pháp triển khai và LSS vận dụng kết hợp linh hoạt các phương pháp này: Đối với mô hình LEAN có các phương pháp như:  5S, Nhóm Kaizen, PDCA, Tự động hóa, Xác định chuỗi hoạt động giá trị, Quản lý vật tư đúng hạn,Tham gia của mọi người, Quản lý Vật tư theo yêu cầu (Pull System); còn đối với mô hình 6 SIGMA các phương pháp phổ biến được vận dụng, triển khai gồm: DMAIC, DMADOV, Nhóm Dự án, RTY, COPQ, Giảm thiểu Biến đổi, Phân hạng Đai (Belt System), Giải thưởng, v.v.

Hai cách tiếp cận theo Lean và 6 Sigma kết hợp cùng nhau tạo thành một chiến lược quản lý rất hiệu quả. Một phương pháp quản lý nhằm giảm thiểu chi phí, một phương pháp nhằm nâng cao chất lượng các quá trình, giảm sự biến đổi của sản phẩm/dịch vụ cung cấp. Với mỗi mô hình, các công cụ, phương pháp kỹ thuật cụ thể sẽ cần được lựa chọn để kết hợp cho, cũng như phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp. Mục đích cuối cùng là giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của khách hàng một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. 

Nắm bắt được xu hướng của thế giới và nhu cầu của doanh nghiệp Việt Nam, CBAS trong 
những năm gần đây đã đẩy mạnh nghiên cứu về các mô hình quản lý đa mục tiêu, đem lại cùng lúc lợi nhuận cao và sự hài lòng của khách hàng, trong đó mô hình LSS là một tiêu biểu. Nhóm chuyên gia của CBAS tập trung nghiên cứu các trường hợp áp dụng LSS thành công trên thế giới và từ đó đề xuất cách thức áp dụng phù hợp với môi trường kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. CBAS cũng mở rộng hợp tác với các công ty tư vấn nước ngoài giàu kinh nghiệm về LSS. Đối tác Hàn Quốc của CBAS là QM&E Consulting Group là một trong số đó với hơn 20 năm kinh nghiệm tư vấn về 6 Sigma và LSS.

Tiếp nối thành công của khoá học “Thiết kế và xây dựng hệ thống quản trị chất lượng Tập đoàn VNPT” tháng 12/2016, CBAS tiếp tục hợp tác với Tập đoàn VNPT bằng việc tổ chức seminar kết nối, chia sẻ kinh nghiệm từ CEO và chuyên gia tư vấn cấp cao của QM&E Consulting Group - đối tác của CBAS đến từ Hàn Quốc.

 


Toàn cảnh buổi seminar kết nối và chia sẻ giữa VNPT, QM&E Group và CBAS

Chiều ngày 06/02/2017 vừa qua, tại trụ sở Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã diễn ra seminar giao lưu, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn về Quản trị chất lượng trong lĩnh vực Viễn thông và Công nghệ thông tin giữa đại diện QM&E Group và Lãnh đạo, đội ngũ Ban chất lượng của Tập đoàn VNPT. Về phía CBAS có sự tham gia của Giám đốc Phan Chí Anh, Phó giám đốc Nguyễn Thu Hà cùng các chuyên gia tư vấn, điều phối viên.

QM&E Group là doanh nghiệp tư vấn nổi tiếng của Hàn Quốc, thành lập năm 1992 với đội ngũ chuyên gia tư vấn giàu kinh nghiệm. Công ty đã và đang cung cấp dịch vụ tư vấn và đào tạo về nhiều lĩnh vực như Sales, Marketing, Phát triển dịch vụ.sản phẩm, Chất lượng,…Một số khách hàng lớn, tiêu biểu của QM&E phải kể đến là Samsung, LG, Dongbu, KCC, Hyundai…

Mục đích của buổi Seminar là giao lưu, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa ba bên. Seminar bắt đầu với phần tự giới thiệu của đại diện Ban chất lượng  VNPT về lịch sử hình thành, cơ cấu tổ chức và tình hình hoạt động , kinh doanh hiện nay của Tập đoàn.

alt

Ông E.S.Kim  - CEO của QM&E Group giới thiệu về Công ty

Tiếp theo, CEO của QM&E Group là ông E.S. Kim giới thiệu về công ty, thế mạnh và kinh nghiệm chuyên môn đặc biệt của công ty trong việc triển khai mô hình Lean 6Sigma.

 

alt

Chuyên gia tư vấn cấp cao J.G. Lee chia sẻ về Mô hình Lean 6Sigma

Sau phát biểu của CEO QM&E Group là trình bày của ông J.G. Lee – chuyên gia tư vấn cao cấp của QM&E giới thiệu về Mô hình Lean 6Sigma và bài học từ các công ty áp dụng thành công mô hình này tại Hàn Quốc.

 


Ông Hyun Kyu Park chia sẻ về bài học thành công trong ngành Viễn thông-CNTT Hàn Quốc

Trong phần tiếp theo, ông Hyun Kyu Park – chuyên gia tư vấn cao cấp của QM&E chia sẻ về bài học thành công của ba đại gia trong ngành Viễn thông – CNTT của Hàn Quốc bao gồm SKT, KT và LG U+. Phần trình bày của ông Park được cán bộ tham dự của VNPT đánh giá là hết sức hữu ích, thiết thực cho hoạt động sản xuất, cung cấp dịch vụ của VNPT hiện nay.

Sau phần chia sẻ của các chuyên gia là thời gian dành cho hỏi đáp. Các cán bộ cấp Trưởng, Phó Phòng, Ban của VNPT, đặc biệt cán bộ của Ban Chất lượng đặt nhiều câu hỏi cho các chuyên gia Hàn Quốc với nội dung xoay quanh triển vọng áp dụng các bài học thành công quốc tế về Quản trị chất lượng vào trường hợp VNPT.

 

 

Cán bộ Tập đoàn VNPT tham dự Seminar đặt câu hỏi cho các chuyên gia Hàn Quốc


Phó trưởng Ban Chất lượng Tập đoàn VNPT - Ông Nguyễn Châu Sơn phát biểu 

Kết thúc phần hỏi đáp là phát biểu cảm ơn của ông Nguyễn Châu Sơn– Phó trưởng Ban Chất lượng của Tập đoàn gửi tới Đội ngũ CBAS và Công ty QM&E thông qua buổi Seminar đã chia sẻ nhiều bài học bổ ích cho cán bộ Tập đoàn. Ông Sơn cũng đề xuất một sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa của ba bên trong thời gian tới để thúc đẩy công tác cải tiến chất lượng của Tập đoàn VNPT.

CBAS sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về hợp tác giữa Tập đoàn VNPT, QM&E và CBAS trong thời gian tới. 

Tham khảo: 
http://vnpi.vn/du-an-tieu-bieu/quan-ly-doanh-nghiep-theo-mo-hinh-tich-hop-lean-6-sigma/