Cải tiến năng suất hoạt động dịch vụ Print
Chủ đề này đã được trao đổi tại buổi tọa đàm khoa học do Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh (CBAS) - Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức sáng ngày 15/3/2016. Buổi toạ đàm nhận được sự tham gia của hơn 30 đại diện đến từ các doanh nghiệp, trường đại học, cơ quan nghiên cứu cùng với các giảng viên, sinh viên và học viên trong Trường ĐHKT.
 
Năng suất chất lượng thường được coi là các yếu tố cơ bản cho quản trị và phát triển tổ chức.  Đặc biệt là tại các doanh nghiệp, năng suất chất lượng được xem như nền tảng cho việc nâng cao năng lực tranh và phát triển bền vững. Trong những năm qua, các hoạt động cải tiến liên tục và quản trị tinh gọn đã được nhiều doanh nghiệp sản xuất Việt Nam quan tâm và triển khai có hiệu quả, tuy nhiên đối với các doanh nghiệp dịch vụ đây là còn là một vấn đề chưa được phổ biến rộng rãi do hoạt động dịch vụ chứa đựng nhiều yếu tố vô hình, khó theo dõi và đo lường, cần liên tục tương tác với khách hàng.
 
Hướng tới giải quyết nhu cầu đó, buổi tọa đàm với chủ đề “Cải tiến năng suất hoạt động dịch vụ” đã được tổ chức bởi Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh (CBAS) với hai diễn giả là Ông Kazuteru Kuroda, Giám đốc bộ phận Tư vấn và Ông Atsuki Kobayashi, Tư vẫn cấp cao thuộc Trung tâm Năng suất Nhật Bản (Japan Productivity Center - JPC). 
 
alt
 TS. Phan Chí Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phát biểu khai mạc và giới thiệu diễn giả
 
Trung tâm Năng suất Nhật Bản (JPC) được thành lập từ năm 1955, là một tổ chức phi lợi nhuận có sứ mệnh thúc đẩy năng suất của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng và quốc tế nói chung. Tại Châu Á, JPC đã có mặt tại 20 quốc gia và hiện đang có mối quan hệ hợp tác cùng Viện năng suất Việt Nam thực hiện các chương trình về năng suất chất lượng. Điển hình là Dự án đào tạo hơn 20 học viên trở thành các chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực năng suất chất lượng tại Thành phố Hồ Chí Minh. 
 
 alt
alt
Ông Kuroda trình bày tại tọa đàm
 
Nội dung buổi tọa đàm tập trung vào việc chia sẻ những kinh nghiệm và xu hướng quản trị trong lĩnh vực dịch vụ tại Nhật Bản, điển hình là trong lĩnh vực bán lẻ. Ngoài ra, một số phương pháp quản trị kinh điển mang thương hiệu Nhật Bản cũng được các chuyên gia Nhật Bản chia sẻ như: Lean, JIT (Just in Time) nhằm cắt giảm lãng phí, nâng cao năng suất chất lượng các hoạt động dịch vụ.
 
Nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh và hướng tới phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGN sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tổ chức chuỗi hội thảo cũng như các giải pháp tư vấn đào tạo nâng cao năng suất chất lượng hàng hóa dịch vụ Việt Nam trong thời gian tới và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm phối hợp của cộng đồng.